Chúng ta có lẽ đã nghe về cây anh túc xác hay còn gọi cây thuốc phiện, một loại cây bị cấm do những tác hại nghiêm trọng mà nó mang lại. Nó còn được biết đến với nhiều tên gọi như Anh túc, Giới tử hay Á phiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra rằng cây này cũng là một vị thuốc, và phần dùng làm thuốc của cây Anh túc chính là Anh túc xác. Thêm vào đó, các bộ phận khác như hoa, hạt và ngọn non đều có công dụng chữa bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến sự cấm đoán này là do việc lạm dụng quá mức, khiến nó trở thành mối nguy hiểm. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá về vị thuốc Anh túc xác để có cái nhìn đúng đắn hơn về nó nhé.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Giới thiệu chung
Cây anh túc thuộc họ thảo, vòng đời khoảng hai năm. Thân cây ánh xanh lục, chiều cao dao động từ một đến một mét rưỡi. Phương pháp gieo hạt được áp dụng để trồng loại cây này, thường vào khoảng tháng mười đến tháng mười một âm lịch (mùa đông) và hoa nở sau đó ba tháng. Hoa anh túc đa dạng về màu sắc, bao gồm trắng, đỏ, tím, mỗi bông mọc riêng lẻ trên cùng một cây. Vẻ đẹp của hoa khiến đồng bào Tày gọi là hoa nàng tiên. Thuật ngữ “nàng tiên nâu” cũng từng được sử dụng để chỉ thuốc phiện.
Hoa anh túc chóng tàn, nhường chỗ cho quả phát triển. Quả có dạng nang, chứa nhựa màu trắng, là nguyên liệu được chiết xuất để chế biến thành các sản phẩm thuốc phiện.
1.2. Đặc điểm hình thái
Anh túc xác (Fructus paraveris Disseminatus) là phần vỏ của quả cây thuốc phiện sau khi đã loại bỏ nhựa. Quả này có hình dạng nang, có thể là hình cầu hoặc hình trụ, với chiều dài từ 4 đến 7 cm và đường kính từ 3 đến 5 cm. Khi chín, quả có màu vàng xám, cuống quả phình to và đỉnh có núm hơi mở rộng. Bên trong quả chín chứa nhiều hạt nhỏ có hình dáng tương tự như hình thận, bề mặt hạt có vân lưới màu xám trắng hoặc xám đen. Bề ngoài của quả có nhiều vết cắt ngang dọc do quá trình rạch để lấy nhựa.
1.3. Nguồn gốc, phân bố
Cây bắt nguồn từ Ấn Độ, Hy Lạp, và một số nước Trung Á. Là loại cây ưa sống ở vùng núi cao. Khoảng vài chục năm trước, cây được trồng khá phổ biến ở các vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu,… Nhưng sau đó do quá nhiều tác hại mà nó mang lại, loại cây này đã bị cấm trồng cho đến ngày hôm nay.
2. Bộ phận dùng và thu hái, chế biến
2.1. Bộ phận dùng
Các bộ phận dùng làm thuốc trên cây Anh túc có hoa, quả, hạt và cả ngọn non của cây cũng được sử dụng. Tuy nhiên nói tới Anh túc xác, thì chúng ta hiểu đó là vỏ quả khô đã lấy đi hết nhựa.
2.2. Thu hái
Người ta thu hoạch loại cây này vào khoảng tháng 4 – 5, khi tiết trời khô ráo.
2.3. Chế biến
Theo sách “Bản thảo cương mục”, quả được thu hái về sẽ đem rửa sạch, bỏ hết phần gân màng và hạt, chỉ giữ lại vỏ quả, xắt mỏng. Vỏ quả này đem phơi sấy khô, hoặc có thể sao qua với mật ong hay sao dấm cho hơi vàng, rồi tán nhuyễn dùng dần.
3. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
3.1. Thành phần hóa học
Trong Anh túc xác có khá nhiều chất, nhưng trong đó được chiết tách và ứng dụng nhiều nhất trong Y học có 2 chất là Morphin và Codein.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Hé lộ sự thật về các loại ma túy nguy hiểm
3.2. Tác dụng dược lý
Nghiên cứu về Morphin và Codein trong “Trung dược học” cho thấy những đặc tính dược lý sau:
Về giảm đau, cả Morphin và Codein đều có hiệu quả giảm đau đáng kể. Morphin đặc biệt mạnh, không chỉ giảm đau mà còn tăng ngưỡng chịu đau, thường dùng cho bệnh nhân đau nặng như ung thư giai đoạn cuối. Codein cũng giảm đau nhưng tác dụng chỉ bằng khoảng một phần tư Morphin. Cần lưu ý cả hai đều gây nghiện và không được lạm dụng.
Về hô hấp, khả năng ức chế hô hấp của chúng được ứng dụng để giảm ho và long đờm. Tuy nhiên, cần thận trọng liều lượng do nguy cơ gây khó thở, thậm chí ngưng thở. Codein được ưu tiên hơn Morphin do tác dụng nhẹ nhàng và ít tác dụng phụ hơn.
Về tuần hoàn, Morphin có thể gây hạ huyết áp do giãn mạch ngoại vi và giải phóng Histamin.
Về sinh dục, Morphin làm tăng trương lực ở đường tiết niệu và bàng quang.
Về tiêu hóa, liều thấp Morphin có thể gây táo bón do tăng trương lực cơ và giảm co bóp ruột.
Về thôi miên, cả Morphin và Codein đều có tác dụng an thần, gây ngủ nhẹ.
4. Công dụng của vị thuốc Anh túc xác
Trong Đông y, Anh túc xác có vị chua, tính sáp, nó là một vị thuốc cố sáp (“cố” có thể hiểu trong chữ “kiên cố”, “sáp” là làm săn lại, se lại, đặc lại), được ứng dụng để trị một số triệu chứng hay bệnh như:
- Cầm tiêu chảy, kiết lỵ.
- Cầm không cho ruột xuất huyết, lòi dom.
- Chữa ho, ho lâu ngày trong lao phổi, hen suyễn.
- Trị di tinh.
- Chữa trẻ em bị đi lỵ, không muốn ăn uống…
6. Môt số bài thuốc ứng dụng
- Bài thuốc trị ho lâu ngày
Anh túc xác đem nướng mật, tán nhuyễn. Mỗi ngày uống 2gr pha với nước pha mật. (theo “Thế y đắc hiệu phương”)
- Bài thuốc trị hen suyễn, lao, ho lâu năm, mồ hôi tự ra
Anh túc xác sao giấm 100gr, Ô mai 20gr. Cả 2 đem tán bột, mỗi lần uống 8gr trước khi đi ngủ. (theo “Tiểu Bách Lao Tán Tuyên Minh Phương”)
- Bài thuốc trị lỵ lâu ngày
Anh túc xác, nướng với giấm, tán bột, trộn với mật làm hoàn. Ngày uống 6 ~ 8g với nước sắc gừng ấm (theo “Bản thảo cương mục”)
- Bài thuốc chữa trẻ nhỏ bị thổ tả bạch lỵ, không muốn ăn uống
Anh túc xác (sao), Trần bì (sao), Kha tử (nướng, bỏ hạt), đều 40gr, Sa nhân, Chích thảo đều 8gr. Tất cả tán bột. Ngày uống 8 ~ 12g với nước cơm (theo “Anh Túc Tán – Phổ Tế Phương”).
7. Một số lưu ý khi dùng Anh túc xác
- Trẻ em dưới 3 tuổi, những người cơ thể yếu, bị các bệnh gan thận hay các bé gái đang tuổi dậy thì không được sử dụng.
- Những bệnh nhân mới bị ho hay bị lỵ cũng không dùng loại dược liệu này.
Anh túc xác là một vị thuốc chữa bệnh, nhưng mọi người không nên tự ý sử dụng, vì có thể dẫn đến việc bị nghiện nếu dùng quá liều. Và không chỉ riêng Anh túc xác, bất cứ một vị thuốc nào, bạn đọc cũng nên có sự cẩn trọng và cần tham khảo ý kiến thầy thuốc nếu muốn dùng nó để tránh việc sử dụng sai lầm đưa đến những tác dụng không mong muốn. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Bài viết liên quan:
Bổ cốt chỉ – Bí quyết tăng cường sinh lực & hỗ trợ sức khỏe nam giới
Bụp Giấm – Khám Phá “Bông Hoa Đỏ” Kỳ Diệu Cho Sức Khỏe & Sắc Đẹp
Dầu jojoba: công dụng, cách dùng và những lưu ý
Dầu mù u: Nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng lưu ý trước khi dùng
Dầu tầm xuân: công dụng, cách dùng và những lưu ý
Dế: loài động vật quen thuộc công dụng lợi tiểu